Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện cho niềm tự hào về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
TUYÊN TRUYỀN
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG (10/3 ÂM LỊCH)
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện cho niềm tự hào về sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, là dịp để Nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác kế tiếp nhau, người Việt ở vùng Đất Tổ - nơi có Đền Hùng linh thiêng và Nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để tri ân công đức Tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, khẳng định quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc, chung tay gìn giữ, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường như lời dạy của tiền nhân. Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức đồng loạt cùng ngày trên khắp mọi miền của đất nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi. Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn.
Nhớ đến ngày Giỗ Tổ không phải để nhớ tới những chuyện xa xưa thời tiền sử mà chính là để tỏ lòng kiêu hãnh rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa lâu đời. Mỗi khi Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt Nam đều hướng về Đền Hùng - nơi thờ Đức Quốc Tổ. Đền Hùng trở thành một vị trí lịch sử quan trọng được tôn kính thiêng liêng nhất.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc trải qua trên hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà có được.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có trời đất chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Một trong những lần về thăm Đền Hùng, ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Bác đã chọn Đền Giếng (trong khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng) làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam). Tại đây, Bác căn dặn cán bộ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ.
Ngày 06/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của tất cả dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
Nhân dân Việt Nam hướng về Ngày Giỗ Tổ, thể hiện lòng kính hiếu tôn trọng tổ tiên, nhưng cũng là để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hướng về Ngày Giỗ Tỗ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm nay, với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Các Sơn nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bứt phá toàn diện, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, văn minh và hạnh phúc./.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY XÃ CÁC SƠN