10 SỰ KIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024
Theo nguồn tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Chúng tôi trân trọng giới thiệu 10 sự kiện cải cách hành chính năm 2024. Cụ thể:
01. Các cơ quan hành chính nhà nước tập trung xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Cải cách tổ chức bộ máy có nhiều đột phá mang tính cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, cả hệ thống đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang khẩn trương rà soát, đánh giá và đề xuất các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao. Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm của Đảng, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, kết quả đến nay đã cơ bản hoàn thành để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
02. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 51 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025
Trong năm 2024, cải cách chính quyền địa phương có nhiều chuyển biến rõ nét. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để kịp thời xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 51/51 Đề án của các địa phương thuộc diện sắp xếp. Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025: sắp xếp 37 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 09 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời, thành lập mới, nâng cấp 325 đơn vị hành chính đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, góp phần tạo ra một diện mạo mới về hệ thống tổ chức đơn vị hành chính đô thị ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao. Như vậy, từ ngày 01/01/2025, cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
03. Hoàn thành 04/06 nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đảm bảo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả
Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung cao độ xây dựng Tờ trình và Báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận số 83-KL/TW làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 142/2024/QH15; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 04/06 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); bổ sung quy định Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi đón nhận; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
04. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đột phá
Chế độ công vụ, công chức tiếp tục được đổi mới, cải cách mạnh mẽ. Cơ chế, chính sách về công chức, công vụ được rà soát, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, cải cách công vụ; phân cấp triệt để trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; đồng thời, kiên trì đề xuất với Chính phủ bỏ thi nâng ngạch đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý và thăng hạng viên chức được xã hội đồng thuận và đánh giá cao. Chính phủ đã ban hành 06 nghị định, Bộ Nội vụ ban hành 05 thông tư để hoàn thiện các tiêu chuẩn, thể chế, chính sách về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Một số chính sách nổi bật như:
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, xác định cụ thể tiêu chuẩn cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp Thứ trưởng và tương đương tới cấp Phó phòng và tương đương, làm căn cứ cho công tác đánh giá, xem xét, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với 8 nhóm chính sách lớn, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, góp phần thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, Nghị định quy định những chính sách đột phá vượt trội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực công.
05. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó, xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cho cải cách hành chính trong thời gian tới
Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đã xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư. Tầm nhìn này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
06. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều thể chế quan trọng đã được thông qua, góp phần tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển
Trong năm 2024, Chính phủ tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó kịp thời chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật, kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, các dự án văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, xác định vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật, trong đó chú trọng vào lĩnh vực pháp luật về phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính và một số lĩnh vực quan trọng khác.
07. Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa quy định kinh doanh có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Bước đầu triển khai đã đạt một số kết quả tích cực (đến tháng 11/2024, phần mềm dịch vụ công liên thông đã thu nhận 301.330 hồ sơ đăng ký liên thông nhóm thủ tục khai sinh và 73.973 hồ sơ đăng ký liên thông nhóm thủ tục khai tử);
Theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 và Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024, có 05 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh) được giao triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời gian thí điểm đến hết tháng 11/2025. Thực hiện Mô hình này không chỉ tạo sự đổi mới về mặt tổ chức mà còn thúc đẩy cải thiện các quy trình, nâng cao tính chuyên nghiệp, giảm sự trùng lặp và góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống”, tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quản quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp. Kết quả triển khai đến nay, trên cơ sở quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công; rà soát kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm để triển khai các nhiệm vụ được giao.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 phải cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% quy định kinh doanh, tương ứng khoảng 3.160 quy định kinh doanh trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh. Trong năm 2024, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh. Kết quả lũy kế từ năm 2021 đến nay, các Bộ, cơ quan đã ban hành hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 20,2%, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 68/NQ-CP.
08. Khung pháp lý phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được hoàn thiện một bước với nhiều thể chế quan trọng được ban hành
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Nhiều thể chế quan trọng được ban hành, tạo cơ sở thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Chính phủ số, như: Luật Dữ liệu; các nghị định về cơ sở dữ liệu, quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước,…
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện: Gần 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cấp kết quả bản điện tử tại các bộ, ngành, địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; 63/63 tỉnh có chính sách giảm phí, lệ phí và 15/63 tỉnh có chính sách giảm thời gian để khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
09. Cải cách tài chính công đạt được nhiều kết quả tích cực, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cải cách tài chính công được quan tâm, đẩy mạnh, thể chế, cơ chế chính sách ngày càng đồng bộ, toàn diện và nâng cao tính công khai, minh bạch, nhiều thể chế, chính sách quan trọng được ban hành, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công (sửa đổi) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính… đã kịp thời tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát hiệu quả nợ công. Bên cạnh đó, đã có những giải pháp chính sách tài khóa, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng; thực hiện giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, đã phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm; qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng.
10. Đề án 06 tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã kết nối với VneID; 44/53 dịch vụ công thiết yếu đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 Bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước; kích hoạt gần 60 triệu tài khoản định danh điện tử, tiếp nhận hơn 1,8 tỷ yêu cầu xác thực; Bộ Công an đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp. Các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, trong đó Lĩnh vực giáo dục đã có 11.400/14.663 cơ sở giáo dục tham gia thí điểm đã thực hiện việc tạo lập học bạ số cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 năm học 2023 - 2024 (đạt tỷ lệ 77,75%), với tổng số 4.591.288/7.092.233 học bạ số cấp tiểu học (đạt tỷ lệ 64,74%); Lĩnh vực ngân hàng đã có hơn 50 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip và qua ứng dụng VneID; Lĩnh vực y tế: Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp Bộ Công an (C06) ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện 16 nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06. Bộ Công an đã dự thảo Quy chế phối hợp liên thông dữ liệu khám chữa bệnh giữa các Bệnh viện, hiện đang xin ý kiến các đơn vị trước khi ban hành.
Bên cạnh đó, một số tính năng của VneID được người dân hưởng ứng cao như: (1) Sổ sức khỏe điện tử: đã tích hợp 15.079.599 thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; 12.518/12.693 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi dữ liệu theo chuẩn của Quyết định 4750/QĐ-BYT của Bộ Y tế (đạt tỷ lệ 98,62%); 32,06 triệu hồ sơ đã gửi lên Cổng tiếp nhận Bộ Y tế; trong đó có 911.696 hồ sơ gửi dữ liệu giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, 2.629.117 hồ sơ gửi dữ liệu giấy hẹn khám lại. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp: có 58/63 địa phương đã chính thức triển khai cấp Phiếu lịch Tư pháp trên VNeID, 05 địa phương (Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long) đã hoàn thành xong việc kiểm tra an ninh, an toàn nhưng chưa hoàn thành vận hành thử để triển khai chính thức, còn tỉnh Đồng Tháp đang khắc phục kiểm tra an ninh an toàn hệ thống. Từ sau Hội nghị bấm nút triển khai chính thức Cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc ngày 02/10/2024, đến nay đã phát sinh 38.079 hồ sơ trên ứng dụng VneID, trong đó, kết quả triển khai của một số địa phương điển hình: TP. Hà Nội (14.365 hồ sơ); Thừa Thiên Huế (1.431 hồ sơ); TP. Hồ Chí Minh (2.696 hồ sơ). (3) Định danh tổ chức: đã thực hiện đối soát, làm sạch 320.996 dữ liệu thuế doanh nghiệp và 4.065.164 dữ liệu thuế cá nhân, đồng thời đã dự thảo tài liệu tập huấn cán bộ về triển khai định danh tổ chức.
Nguồn: Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ